Thời hạn tạm giam trong tố tụng hình sự

THỜI HẠN TẠM GIAM TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

LIÊN HỆ LUẬT SƯ:  0969.449.828 (Zalo)

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 thì tạm giam được áp dụng trong các giai đoạn: Điều tra; truy tố; xét xử. Thời hạn tạm giam bị can, bị cáo được quy định theo những căn cứ khác nhau phụ thuộc vào từng giai đoạn tố tụng để bảo đảm cho cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Cụ thể:

1. Giai đoạn điều tra

Giai đoạn này có các loại thời hạn tạm giam sau: Thời hạn tạm giam để điều tra; thời hạn tạm giam để phục hồi điều tra; thời hạn tạm giam để điều tra bổ sung và thời hạn tạm giam để điều tra lại.

a.Thời hạn tạm giam và việc gia hạn tạm giam để điều tra được quy định tại Điều 120 BLTTHS và phụ thuộc vào từng loại tội. Cụ thể:

– Nếu tội phạm được điều tra là tội ít nghiêm trọng thì thời hạn tạm giam không quá hai tháng. Thời hạn này có thể được gia hạn một lần không quá một tháng. Trong khi đó, Điều 119 BLTTHS quy định: “Thời hạn điều tra vụ án không quá hai tháng đối với tội ít nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án hình sự cho đến khi kết thúc điều tra và có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng”. Như vậy, tổng thời hạn điều tra một vụ án về tội ít nghiêm trọng là 4 tháng và tổng thời hạn tạm giam để điều tra một vụ án về tội ít nghiêm trọng là 3 tháng.

– Riêng đối với những vụ án về tội ít nghiêm trọng được áp dụng thủ tục rút gọn thì thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố được quy định tại khoản 3 Điều 322 BLTTHS là không được quá mười sáu ngày.

– Nếu tội phạm được điều tra là tội nghiêm trọng thì thời hạn tạm giam không quá ba tháng. Thời hạn này có thể được gia hạn hai lần, lần thứ nhất không quá 2 tháng, lần thứ hai không quá một tháng. Trong khi đó, Điều 119 BLTTHS quy định: “Thời hạn điều tra vụ án đối với tội nghiêm trọng không quá ba tháng, kể từ khi khởi tố vụ án hình sự cho đến khi kết thúc điều tra và có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng”. Như vậy, tổng thời hạn điều tra một vụ án về tội nghiêm trọng là 8 tháng và tổng thời hạn tạm giam để điều tra một vụ án về tội nghiêm trọng là 6 tháng.

– Nếu tội phạm được điều tra là tội rất nghiêm trọng thì thời hạn tạm giam không quá bốn tháng. Thời hạn này có thể được gia hạn hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng. Trong khi đó, Điều 119 BLTTHS quy định: “Thời hạn điều tra vụ án đối với tội rất nghiêm trọng không quá bốn tháng, kể từ khi khởi tố vụ án hình sự cho đến khi kết thúc điều tra và có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng”. Như vậy, tổng thời hạn để điều tra một vụ án về tội rất nghiêm trọng là 12 tháng và tổng thời hạn tạm giam điều tra một vụ án về tội rất nghiêm trọng là 9 tháng.

– Nếu tội phạm được điều tra là tội đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn tạm giam không quá bốn tháng. Thời hạn này có thể được gia hạn ba lần mỗi lần không quá bốn tháng. Và tại Điều 119 BLTTHS cũng quy định: “Thời hạn điều tra vụ án đối với tội đặc biệt nghiêm trọng không quá bốn tháng, kể từ khi khởi tố vụ án hình sự cho đến khi kết thúc điều tra và có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng”. Tổng thời hạn để điều tra một vụ án về tội đặc biệt nghiêm trọng là 16 tháng và tổng thời hạn tạm giam để điều tra một vụ án về tội đặc biệt nghiêm trọng cũng là 16 tháng.

– Như vậy, trong số các loại tội phạm nêu trên chỉ có tội đặc biệt nghiêm trọng là có tổng thời hạn tạm giam để điều tra bằng tổng thời hạn điều tra. Còn tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng và tội rất nghiêm trọng là các tội có tổng thời hạn tạm giam để điều tra ngắn hơn tổng thời hạn điều tra. Vì mục đích của việc tạm giam là bảo đảm cho việc điều tra cho nên BLTTHS không quy định thời hạn tạm giam để điều tra bằng thời hạn điều tra của ba loại tội này như tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc như thời hạn tạm giam để hoàn thành cáo trạng, chuẩn bị xét xử như BLTTHS năm 1988 là khó khăn cho cơ quan điều tra. Để không giam giữ bị can quá hạn chỉ còn cách duy nhất là các cơ quan điều tra phải đẩy nhanh tốc độ điều tra vụ án và phấn đấu kết thúc điều tra trước khi hết hạn tạm giam. Thực tiễn áp dụng thời hạn tạm giam trong quá trình điều tra vụ án hình sự cho thấy có nhiều vụ án thời hạn tạm giam đã hết mà thời hạn điều tra vẫn còn. Cơ quan điều tra vẫn chưa kết thúc điều tra vụ án nhưng phải trả tự do cho bị can. Việc trả tự do cho bị can trong trường hợp này gây rất nhiều khó khăn cho việc tiếp tục điều tra vụ án. Có trường hợp còn gây nghi ngờ trong dư luận nhân dân xung quanh việc trả tự do cho bị can. Để khắc phục hạn chế nêu trên chúng tôi đề nghị sửa đổi các điểm a, b và c khoản 2 Điều 120 BLTTHS theo hướng quy định thời hạn gia hạn tạm giam bằng thời hạn gia hạn điều tra như sau:

“Điều …. Thời hạn tạm giam để điều tra

2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá hai tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng;…”

b.Thời hạn tạm giam để phục hồi điều tra được quy định tại khoản 4 Điều 121 BLTTHS như sau:

– Trong trường hợp có căn cứ theo quy định của BLTTHS cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để phục hồi điều tra không được quá thời hạn phục hồi điều tra quy định tại khoản 1 Điều 121 BLTTHS. Như vậy, chỉ được tạm giam bị can để phục hồi điều tra khi có đầy đủ các căn cứ quy định tại các điều 88 và 303 BLTTHS. Thời hạn phục hồi điều tra được quy định tại khoản 1 Điều 121 BLTTHS là: Không quá hai tháng đối với tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng và tội rất nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều tra. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị viện kiểm sát gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau: Đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng; đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được gia hạn điều tra một lần không quá ba tháng. Do vậy, thời hạn tạm giam bị can để phục hồi điều tra đối với tội ít nghiêm trọng là không quá hai tháng. Thời hạn tạm giam bị can để phục hồi điều tra đối với tội nghiêm trọng là không quá hai tháng, có thể được gia hạn một lần nhưng không quá hai tháng. Thời hạn tạm giam bị can để phục hồi điều tra đối với tội rất nghiêm trọng là không quá hai tháng, có thể được gia hạn một lần không quá hai tháng. Thời hạn tạm giam bị can để phục hồi điều tra đối với tội đặc biệt nghiêm trọng là không quá ba tháng và có thể được gia hạn một lần nhưng không qua ba tháng.

c.Thời hạn tạm giam để điều tra bổ sung cũng được quy định tại khoản 4 Điều 121 BLTTHS như sau: trong trường hợp có căn cứ của Bộ luật luật tố tụng hình sự cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để điều tra bổ sung không quá thời hạn điều tra bổ sung quy định tại khoản 2 Điều này. Khoản 2 Điều 121 BLTTHS quy định thời hạn điều tra bổ sung như sau: “Trong trường hợp vụ án do viện kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; nếu do toà án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng. Viện kiểm sát hoặc toà án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra”. Như vậy, thời hạn tạm giam bị can để điều tra bổ sung không phụ thuộc vào loại tội mà tuỳ thuộc vào cơ quan (toà án hay viện kiểm sát) trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nếu hồ sơ do viện kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn tạm giam đối với bị can là không quá hai tháng. Trường hợp này hồ sơ vụ án do viện kiểm sát trả lại lần thứ hai để điều tra bổ sung thì thời hạn tạm giam đối với bị can để điều tra bổ sung lần này cũng không quá hai tháng. Nếu hồ sơ do tòa án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn tạm giam đối với bị can là không quá một tháng. Trường hợp toà án trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung lần thứ hai thì thời hạn tạm giam bị can để điều tra bổ sung lần thứ hai cũng là một tháng.

Với cách quy định thời hạn tạm giam và việc gia hạn tạm giam để phục hồi điều tra, điều tra bổ sung bằng thời hạn phục hồi điều tra, thời hạn điều tra bổ sung nhà làm luật đã khắc phục được những bất cập về thời hạn tạm giam để điều tra quy định tại Điều 120 BLTTHS. Nhưng việc quy định thời hạn tạm giam để điều tra lại tại Điều 121 BLTTHS: “Thời hạn tạm giam và gia hạn tạm giam trong trường hợp vụ án được điều tra lại theo thủ tục chung quy định tại Điều 120 của Bộ luật này” thì nhà làm luật lại quay trở lại những bất cập về thời hạn như đã phân tích. Do vậy, về kĩ thuật lập pháp thì chỉ cần sửa đổi các điểm a, b, c khoản 2 Điều 120 BLTTHS như đã đề cập thì đương nhiên khắc phục được những bất cập (kéo theo) này.

2. Giai đoạn truy tố

Thời hạn tạm giam được quy định tại khoản 2 Điều 166 BLTTHS và không được quá thời hạn để ra một trong bốn quyết định: Truy tố bị can trước toà án bằng bản cáo trạng; trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án. Cũng giống như ở giai đoạn điều tra, thời hạn tạm giam ở giai đoạn truy tố được quy định đối với từng loại tội phạm như sau:

– Thời hạn tạm giam bị can phạm tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng để truy tố là hai mươi ngày; có thể được gia hạn thêm nhưng không quá mười ngày. Thời hạn tạm giam bị can phạm tội rất nghiêm trọng để truy tố là ba mươi ngày có thể được gia hạn thêm nhưng không quá mười lăm ngày. Thời hạn tạm giam bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng để truy tố là ba mươi ngày và có thể gia hạn thêm nhưng không quá ba mươi ngày.

Vậy, trường hợp đến ngày chót của thời hạn truy tố và thời hạn tạm giam đã hết mà viện kiểm sát mới ra quyết định truy tố bị can trước toà án bằng bản cáo trạng hoặc trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung thì có trả tự do cho bị can hay không? Việc trả tự do cho bị can phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Có trường hợp trả tự do và có trường hợp không thể trả do được vì bị can có thể trốn, tiếp tục phạm tội… Trường hợp không có căn cứ để trả tự do cho bị can thì phải tiếp tục tạm giam nhưng căn cứ vào đâu? Tại khoản 2 Điều 166 BLTTHS chưa đề cập khả năng này. Do vậy, để khắc phục những bất cập nêu trên và phù hợp với thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam (theo quy định của các điều 80, 88 BLTTHS) chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 166 BLTTHS như sau:

2. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn; trừ việc áp dụng, thay đổi huỷ bỏ biện pháp tạm giam do viện trưởng hoặc phó viện trưởng viện kiểm sát quyết định.

Thời hạn tạm giam và gia hạn tạm giam để chuẩn bị truy tố không được quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Đối với bị can đang bị tạm giam mà đến ngày viện kiểm sát ra quyết định truy tố hoặc quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung thời hạn tạm giam đã hết nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để chuyển hồ sơ vụ án cho toà án hoặc cơ quan điều tra thì viện kiểm sát ra quyết định tiếp tục tạm giam cho đến khi toà án hoặc cơ quan điều tra thụ lí vụ án”.

3. Giai đoạn xét xử sơ thẩm

Giai đoạn này có các loại thời hạn: Thời hạn tạm giam để bảo đảm cho việc xét xử sơ thẩm; thời hạn tạm giam để bảo đảm cho việc thi hành án.

a.Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử sơ thẩm bao gồm hai loại. Loại thứ nhất là thời hạn được tính bằng ngày, tháng và được ghi trong lệnh tạm giam do chánh án, phó chánh án toà án quyết định sau khi thụ lí hồ sơ vụ án. Thời hạn này được quy định cụ thể đối với từng loại tội, cụ thể, đó là: Ba mươi ngày đối với tội ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội nghiêm trọng, hai tháng đối với tội rất nghiêm trọng và ba tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng. Theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao thì thời hạn tạm giam đối với từng trường hợp cụ thể như sau:(1)

– Đối với bị can đang bị tạm giam mà khi thời hạn tạm giam gần hết (thời hạn tạm giam còn lại không quá năm ngày) và xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam bị can thì chánh án hoặc phó chánh án toà án ra lệnh tạm giam. Thời hạn tạm giam trong trường hợp này được tính kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và không được quá bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và ba tháng mười lăm ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

– Đối với bị can đang bị tạm giam mà thời hạn tạm giam đang còn thì khi thời hạn tạm giam gần hết (thời hạn tạm giam còn lại không quá năm ngày) cần phải xem xét có cần thiết tiếp tục tạm giam nữa hay không. Nếu xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam bị can (hoặc bị cáo, nếu đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử) thì chánh án hoặc phó chánh án toà án ra lệnh tạm giam. Thời hạn tạm giam trong trường hợp này được tính kể từ ngày tiếp theo ngày tạm giam cuối cùng của lệnh tạm giam trước đó và không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử: Bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng; hai tháng đối với tội phạm nghiêm trọng; hai tháng mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; ba tháng mười lăm ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: Ngày 01/02/2004, toà án nhận được hồ sơ vụ án đối với bị can A. Bị can A bị viện kiểm sát truy tố về tội phạm nghiêm trọng và đang bị tạm giam theo lệnh tạm giam của viện kiểm sát đến hết ngày 15/02/2004. Khi thời hạn tạm giam theo lệnh tạm giam trước đó gần hết và xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam bị can (hoặc bị cáo, nếu đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử) thì đề nghị chánh án hoặc phó chánh án toà án ra lệnh tạm giam kể từ ngày 16/02/2004 và thời hạn tạm giam không được quá bốn mươi lăm ngày (hai tháng là thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm nghiêm trọng trừ đi mười lăm ngày bị can đã bị tạm giam theo lệnh tạm giam trước đó, kể từ ngày 01/02/2004 là ngày nhận hồ sơ vụ án).

– Đối với bị can đang được tại ngoại, nếu sau khi nhận hồ sơ vụ án hoặc trong thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án xét thấy cần thiết áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ thì chánh án hoặc phó chánh án toà án ra lệnh bắt và tạm giam ngay. Theo quy định tại đoạn 2 Điều 177 BLTTHS thì thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 BLTTHS và được tính kể từ ngày bắt bị can để tạm giam; do đó, trong trường hợp này phải tính thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 176 BLTTHS để xác định cụ thể ngày kết thúc thời hạn chuẩn bị xét xử và ghi thời hạn tạm giam trong lệnh bắt và tạm giam như sau: “Thời hạn tạm giam tính từ ngày bắt để tạm giam cho đến ngày… tháng… năm…” (ghi ngày, tháng, năm kết thúc thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm).

– Trong trường hợp phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nếu khi gần hết thời hạn tạm giam (thời hạn tạm giam còn lại không quá năm ngày) và xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam thì chánh án toà án có quyền ra lệnh tạm giam tiếp. Thời hạn tạm giam trong trường hợp này không quá mười lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

– Với hướng dẫn nêu trên của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì:

+ Thứ nhất, việc áp dụng biện pháp tạm giam (đặc biệt là thời hạn tạm giam) của toà án ít nhiều phụ thuộc vào thời hạn tạm giam theo lệnh của viện kiểm sát. Nếu thời hạn tạm giam theo lệnh tạm giam của viện kiểm sát đang còn thì toà án chỉ xem xét có cần tiếp tục tạm giam hay không khi thời hạn tạm giam gần hết.

+ Thứ hai, trong mọi trường hợp toà án (thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà) phải tính toán rất kĩ để xác định ngày mở phiên toà và ghi trong lệnh tạm giam là: “Thời hạn tạm giam tính từ ngày bắt để tạm giam cho đến ngày… tháng… năm…”(2) ghi ngày, tháng, năm kết thúc thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm).

– Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy sau khi thụ lí hồ sơ vụ án, thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà còn phải nghiên cứu hồ sơ để ra một trong bốn quyết định theo quy định tại Điều 176 BLTTHS. Việc tính toán và lên lịch xét xử chỉ được tiến hành khi quyết định đưa vụ án ra xét xử. Do vậy, nội dung hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao khó khả thi trong thực tế và không bảo đảm hoạt động độc lập của toà án; nên chăng cần nghiên cứu lại hướng dẫn nêu trên.

– Loại thứ hai là thời hạn được tính bằng sự kiện “kết thúc phiên toà”. Thời hạn này chỉ xuất hiện khi loại thời hạn thứ nhất đã hết mà không có căn cứ để thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam đang áp dụng và trả tự do cho bị cáo. Thời hạn này không phụ thuộc vào loại tội phạm mà giống nhau đối với tất cả các loại tội. Thời hạn này được ghi trong lệnh tạm giam do chánh án, phó chánh án quyết định (lần thứ hai) với mục đích là để bảo đảm cho việc xét xử.

b.Thời hạn tạm giam để bảo đảm cho việc thi hành án là thời hạn tạm giam đối với bị cáo sau khi tuyên án. Theo quy định tại khoản 3 Điều 228 BLTTHS thì thời hạn tạm giam bị cáo trong trường hợp này là bốn mươi lăm ngày kể từ ngày tuyên án. Về cơ bản, nội dung quy định tại Điều 228 BLTTHS tạo thành cơ chế bảo đảm cho cho việc tạm giam bị cáo cho đến khi toà án cấp phúc thẩm thụ lí hồ sơ vụ án (nếu bản án bị kháng cáo, kháng nghị) hoặc toà án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp đối với bị cáo đang bị tạm giam mà bị phạt tù nhưng đến khi kết thúc phiên toà thời gian tạm giam gần hết (không còn bảo đảm cho việc tiếp tục tạm giam đến khi toà án cấp phúc thẩm thụ lí hồ sơ vụ án (nếu bản án bị kháng cáo, kháng nghị) hoặc toà án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án) thì hội đồng xét xử không thể ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm cho việc thi hành án. Bởi lẽ, tại khoản 1 Điều 228 BLTTHS chỉ quy định: “Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà bị phạt tù nhưng đến khi kết thúc phiên toà thời gian tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm cho việc thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 227 Bộ luật này”. Vậy, trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị phạt tù nhưng đến khi kết thúc phiên toà thời gian tạm giam gần hết (không còn bảo đảm cho việc tiếp tục tạm giam đến khi toà án cấp phúc thẩm thụ lí hồ sơ vụ án (nếu bản án bị kháng cáo, kháng nghị) hoặc toà án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án) thì hội đồng xét xử có ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm cho việc thi hành án hay không? Nếu có thì căn cứ vào điều khoản nào của BLTTHS?

– Theo chúng tôi thì mặc dù BLTTHS không dành riêng điều luật quy định về áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn sau khi tuyên án nhưng quy định tại Điều 227 BLTTHS về việc trả tự do ngay cho bị cáo là huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam đang được áp dụng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử;

– Quy định tại khoản 1 Điều 228 BLTTHS về việc tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án đối với bị cáo đang bị tạm giam nhưng đến ngày kết thúc phiên toà thời hạn tạm giam đã hết là tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giam. Còn quy định tại khoản 2 Điều 228 BLTTHS về việc bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án là áp dụng biện pháp bắt tạm giam (đối với bị cáo đang tại ngoại do không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn); hoặc thay thế (một trong những biện pháp: cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm) bằng biện pháp tạm giam.

– Việc BLTTHS dành hai điều luật là Điều 227 và 228 quy định việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo sau khi tuyên án nhưng không quy định việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn (bảo lĩnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm) là không hợp lí về mặt kĩ thuật lập pháp.

– Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên đề nghị thay thế Điều 227 và Điều 228 BLTTHS bằng điều luật mới quy định về việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn sau khi tuyên án. Nội dung điều luật đó có thể như sau:

Điều… áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn sau khi tuyên án

Cùng với việc ra bản án, hội đồng xét xử phải quyết định việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn.

1. Đối với bị cáo bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc bị áp dụng hình phạt khác nhẹ hơn mà không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc chỉ bị áp dụng một trong những biên pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thì hội đồng xét xử có thể áp dụng hoặc tiếp tục áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây để bảo đảm thi hành án: Cấm đi khỏi nơi cư trú; bảo lĩnh; đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

2. Đối với bị cáo không bị tạm giam nhưng bị phạt tù thì hội đồng xét xử có thể ra quyết định tạm giam ngay nếu có căn cứ cho rằng bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục gây án.

Thời hạn tạm giam đối với bị cáo bị phạt tù không quá bốn mươi lăm ngày; bị cáo bị phạt tử hình thì thời hạn tạm giam cho đến khi thi hành án.

3. Đối với bị cáo đang bị tạm giam

a. Trong những trường hợp sau đây, hội đồng xét xử phải huỷ bỏ biện pháp tạm giam, tuyên bố trả tự do ngay tại phiên toà cho bị cáo, nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác:

– Bị cáo không có tội;

– Bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được miễn hình phạt;

– Bị cáo bị xử phạt bằng các hình phạt không phải là hình phạt tù;

– Bị cáo bị xử phạt tù nhưng được hưởng án treo; hoặc thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam.

b. Những trường hợp khác, nếu thời hạn tạm giam đã hết thì hội đồng xét xử có thể ra 10 quyết định tạm giam ngay nếu có căn cứ cho rằng bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục gây án.

Thời hạn tạm giam đối với bị cáo bị phạt tù không quá bốn mươi lăm ngày; bị cáo bị phạt tử hình thì thời hạn tạm giam cho đến khi thi hành án”.

4. Giai đoạn xét xử phúc thẩm

Giai đoạn này cũng có thời hạn tạm giam để đảm bảo cho việc xét xử phúc thẩm và thời hạn tạm giam sau khi tuyên án phúc thẩm.

a.Thời hạn tạm giam để bảo cho việc xét xử phúc thẩm cũng giống như thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thời hạn tạm giam để bảo đảm cho việc xét xử phúc thẩm bao gồm hai loại:

– Một là, thời hạn tạm giam được tính bằng ngày. Thời hạn này được quy định chung cho các loại tội phạm và phụ thuộc vào toà án cấp nào thụ lí vụ án. Nếu vụ án do toà án nhân dân cấp tỉnh, toà án quân sự cấp quân khu thụ lí để xét xử phúc thẩm thì thời hạn tạm giam là sáu mươi ngày. Nếu vụ án do Toà án quân sự trung ương, Toà phúc thẩm toà án nhân dân tối cao thụ lí để xét xử phúc thẩm thì thời hạn tạm giam là chín mươi ngày.

– Hai là, thời hạn tạm giam xuất hiện sau khi loại thời hạn thứ nhất đã hết và kéo dài cho tới khi kết thúc phiên toà phúc thẩm. Đây là thời hạn tạm giam đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên toà thời hạn tạm giam đã hết và toà án ra lệnh tạm giam (tiếp theo) khi xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử.

b.Thời hạn tạm giam sau khi tuyên án phúc thẩm được quy định tại khoản 3 Điều 243 BLTTHS như sau:

Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 227 của Bộ luật này.

Đối với bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án, trừ các trường hợp quy định tại Điều 261 của Bộ luật này.

Thời hạn tạm giam là bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày tuyên án”.

+ Khoản  5 Điều  250 BLTTHS quy định:

Trong trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết thì hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi viện kiểm sát hoặc toà án cấp sơ thẩm thụ lí lại vụ án”.

Như vậy, ở giai đoạn xét xử phúc thẩm cũng có hai thời điểm áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp tạm giam (trước và sau khi xét xử sơ thẩm). Việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn (trong đó có biện pháp tạm giam) trước khi xét xử phúc thẩm được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 243 BLTTHS. Việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn sau khi tuyên án được quy định tại khoản 3 Điều 243 và khoản 5 Điều 250 BLTTHS. So với quy định về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn sau khi tuyên án sơ thẩm thì việc quyết định trong bản án phúc thẩm tiếp tục tạm giam bị cáo bị phạt tử hình để bảo đảm thi hành án chưa được BLTTHS quy định. Phải chăng, đây cũng là thiếu sót khi ban hành BLTTHS năm 2003. Để đảm bảo sự đồng bộ và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của BLTTHS về việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn xét xử phúc thẩm chúng tôi đề nghị tách quy định tại Điều 243 thành hai điều luật độc lập. Một điều luật quy định về việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm và một điều luật quy định về việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn sau khi tuyên án phúc thẩm. Nội dung các điều luật này tương tự như các điều luật tương ứng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm.

Ngoài các thời hạn nêu trên, còn một loại thời hạn nữa được đề cập tại Điều 287 BLTTHS, đó là loại thời hạn tạm giam đối với bị cáo đang bị tạm giam mà toà án cấp giám đốc thẩm huỷ án để điều tra hoặc xét xử lại. Theo quy định tại đoạn 2 Điều 287 BLTTHS thì: “Trong trường hợp huỷ bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để điều tra hoặc để xét xử lại và xét thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết thì hội đồng giám đốc thẩm ra lệnh tạm giam cho đến khi viện kiểm sát hoặc toà án thụ lí lại vụ án”. Việc áp dụng thời hạn tạm giam trong trường hợp này không có gì bất cập. Do vậy, không cần phải sửa đổi nội dung quy định nêu trên tại Điều 287 BLTTHS.

Để được Luật sư tư vấn trực tiếp, vui lòng liên hệ:  0969.449.828 (Zalo)

Email: Luatsutoandan@gmail.com