CÁC GIAO DỊCH VỀ NHÀ Ở NÀO KHÔNG BẮT BUỘC PHẢI CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN (SỔ ĐỎ)

Các giao dịch về nhà ở nào không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ)?

LUẬT SƯ TƯ VẤN: 0969449828

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 118 Luật nhà ở 2014, các giao dịch về nhà ở sau đây thì nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận, tuy nhiên vẫn cần đáp ứng một số giấy tờ và điều kiện nhất định:

1. Mua bán, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai

Nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Đối với trường hợp thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thì phải có các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 148 của Luật Nhà ở; trường hợp mua bán nhà ở thương mại hình thành trong tương lai thì phải có giấy tờ theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản và quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 19 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở 2014 (Hồ sơ dự án, thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt, quyết định giao đất, đã xây dựng xong phần móng đối với thế chấp nhà ở, giấy phép xây dựng..)

2. Tổ chức thực hiện tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương

3.  Mua bán, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư không thuộc sở hữu nhà nước; bán nhà ở quy định tại khoản 4 Điều 62 của Luật này

Thuê mua nhà ở là việc người thuê mua thanh toán trước cho bên cho thuê mua 20% giá trị của nhà ở thuê mua, trừ trường hợp người thuê mua có điều kiện thanh toán trước thì được thanh toán không quá 50% giá trị nhà ở thuê mua; số tiền còn lại được tính thành tiền thuê nhà để trả hàng tháng cho bên cho thuê mua trong một thời hạn nhất định; sau khi hết hạn thuê mua nhà ở và khi đã trả hết số tiền còn lại thì người thuê mua có quyền sở hữu đối với nhà ở đó.

4. Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở

Việc không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với những loại giao dịch này là hoàn toàn hợp lý và đúng với bản chất vì thực chất tài sản là nhà ở trong các giao dịch thuê mua, cho thuê, cho mượn, cho ở nhà chưa hoàn toàn chuyển giao cho người thuê mua, người thuê, người mượn nhà ở.

5. Nhận thừa kế nhà ở

Đây là một điểm mới trong Luật nhà ở 2014, bởi lẽ không phải nhà ở nào cũng được cấp, đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận. Pháp luật quy định như vậy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao quyền sở hữu, tài sản từ bố mẹ sang con khi họ đột ngột qua đời mà chưa kịp làm các thủ tục để đăng ký quyền sở hữu.

6.  Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư nhưng chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó”.

Để được Luật sư tư vấn trực tiếp, vui lòng liên hệ: 0969449828

Email: luatsutoandan@gmail.com