Điều kiện để người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

ĐIỀU KIỆN ĐỂ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC SỞ HỮU NHÀ Ở TẠI VIỆT NAM

LIÊN HỆ LUẬT SƯ: 0969449828

Theo quy định tại Điều 74 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật nhà ở 2014 thì tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam cần đáp ứng các điều kiện:

Thứ nhất, đối với cá nhân nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam và không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Như vậy, cá nhân nước ngoài chỉ cần đáp ứng một điều kiện duy nhất về nhập cảnh là được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Mà theo quy định tại Điều 20 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 thì điều kiện nhập cảnh đối với người nước ngoài bao gồm:

- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hợp lệ: Hộ chiếu là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp (ở Việt Nam là cơ quan về quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an), giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của một nước cấp cho người không quốc tịch đang cư trú tại nước đó và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.

- Được cấp thị thực hoặc miễn thị thực tại Việt Nam: thị thực là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cửa khẩu quốc tế, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ ngoại giao) cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, tùy vào mục đích nhập cảnh mà thời gian thị thực cấp cho người nước ngoài có thể khác nhau. Đối với những đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, hành nghề Luật sư, lao động, học tập muốn được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thị thực thì họ còn phải có một trong các loại giấy tờ tương ứng sau đây như giấy tờ về đầu tư tại Việt Nam, giấy phép hành nghề, giấy phép lao động, văn bản tiếp nhận của nhà trường.

- Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh tại Điều 21 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 như: Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ đi cùng; giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, cư trú; người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng; bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực; vì lý do thiên tai, phòng, chống dịch bệnh.

Trước đây, theo quy định của Nghị quyết 19 người nước ngoài khi vào Việt Nam muốn sở hữu nhà ở thì phải cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 01 năm trở lên. Song theo quy định của Luật nhà ở 2014 hiện hành, người nước ngoài chỉ cần đáp ứng điều kiện duy nhất về nhập cảnh, pháp luật nhà ở không đặt ra điều kiện về thời hạn cư trú đối với họ. Đây là một điểm nhấn nổi bật trong các quy định về quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài theo pháp luật nhà ở hiện hành, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết đặt ra cho người nước ngoài.

Thứ hai, đối với tổ chức nước ngoài phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc có giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm ký kết các giao dịch về nhà ở. Pháp luật nhà ở hiện hành cũng đã bỏ quy định về thời hạn còn lại tối thiểu 01 năm trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của tổ chức nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức nước ngoài vào khi vào Việt Nam đầu tư. Các quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật đầu tư 2014 cũng khá thuận lợi. Nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm, đáp ứng được các điều kiện đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì họ sẽ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài ra, trường hợp đối với nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam còn phải đáp ứng các điều kiện về đầu tư theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như các Hiệp định đầu tư song phương và khu vực, Biểu cam kết về ngành, nghề dịch vụ của Việt Nam trong WTO (2007), Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN - ACIA (2009), Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ - AFAS (2014)..

Như vậy có thể thấy rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành thì điều kiện mua và sở hữu nhà ở đối với cá nhân nước ngoài đã trở lên dễ dàng hơn trước rất nhiều, họ chỉ cần đáp ứng điều kiện về nhập cảnh và cũng không bắt buộc phải đáp ứng về thời hạn cư trú trên 01 năm ở Việt Nam nữa. Đối với tổ chức nước ngoài thì điều kiện để họ được sở hữu nhà ở có phần khó khăn hơn khi mà họ phải đáp ứng các điều kiện về đầu tư theo Luật đầu tư 2014, tránh trường hợp các tổ chức nước ngoài khác vào Việt Nam không vì mục đích đầu tư mà vào vì mục đích khác gây bất ổn đối với thị trường bất động sản.

Để được Luật sư tư vấn trực tiếp, vui lòng liên hệ: 0969449828

Email: Luatsutoandan@gmail.com