QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THU GIỮ TÀI SẢN ĐỂ XỬ LÝ NỢ CỦA NGÂN HÀNG

QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN THU GIỮ TÀI SẢN ĐỂ XỬ LÝ NỢ CỦA NGÂN HÀNG

Ngân hàng có quyền thu giữ tài sản để xử lý nợ

Ngân hàng được trực tiếp thu giữ tài sản để xử lý nợ khi đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật: 

Trước đây theo quy định của Nghị định 163/2006/NĐ-CP thì thu giữ tài sản đã được coi là một trong những phương án để xử lý nợ của ngân hàng. Tuy nhiên trên thực tế khi một số tổ chức tín dụng như Vpbank, Techcombank triển khai thực hiện đã gặp phải nhiều vấn đề như: Thiếu trình tự, thủ tục pháp lý cụ thể để triển khai thu giữ tài sản; Việc thu giữ tài sản là bất động sản nhiều khi tổ chức tín dụng sẽ vi phạm đến một số quy định khác của pháp luật như quyền có chỗ ở của công dân được quy định trong Hiến pháp; Việc Ngân hàng tổ chức thu giữ tài sản nhiều khi tạo nên hình ảnh không đẹp trước các khách hàng và có nguy cơ dẫn đến mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật khác.

Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực kể từ ngày 15/08/2017 đã có một số quy định cụ thể hơn để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng trong việc thu giữ tài sản để xử lý nợ. Theo đó Điêu 7 của Nghị quyết này quy định như sau:

1. Về điều kiện để thu giữ tài sản:

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Dân sự;

- Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật;

- Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;

- Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều này.

2. Về trình tự, thủ tục thu giữ tài sản.

Chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ theo quy định sau đây:

- Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình;

- Gửi văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Công an nơi có tài sản bảo đảm;

- Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản bảo đảm;

- Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện công khai thông tin về việc tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là động sản theo quy định sau đây:

- Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình và thông báo về việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm trước khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm;

- Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản trước thời điểm thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm bằng cách gửi theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.

Chính quyền địa phương các cấp và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm.

Như vậy, có thể thấy quy định mới đã tạo điều kiện cho các ngân hàn, tổ chức tín dụng thu giữ tài sản để xử lý nợ. Tuy nhiên với chỉ những quy định trên vẫn là chưa đủ mà cần có văn bản hướng dẫn rõ ràng hơn bởi trong nhiều trường hợp người thế chấp và ngân hàng có tranh chấp về điều kiện để thu giữ tài sản thì xử lý thế nào? Trong trường hợp đứng trước nguy cơ bị thu giữ người thế chấp vẫn có cách để trì hoãn hoặc tránh bị thu giữ theo quy định của pháp luật.

Để được Luật sư tư vấn trực tiếp, vui lòng liên hệ:  0969449828 (Zalo)

Email: Luatsutoandan@gmail.com