MUA, THUÊ MUA NHÀ Ở XÃ HỘI CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ?

MUA, THUÊ MUA NHÀ Ở XÃ HỘI CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ?

MUA, THUÊ MUA NHÀ Ở XÃ HỘI CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ

Theo quy định tại Điều 62 Luật nhà ở 2014 thì khi thuê mua nhà ở xã hội hay thực hiện các giao dịch thuê, bán nhà ở xã hội cần lưu ý một số điểm sau, cụ thể:

1. Trong cùng một thời gian, mỗi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật nhà ở chỉ được thuê hoặc thuê mua hoặc mua một nhà ở xã hội; đối với học sinh tại các trường dân tộc nội trú công lập thì không phải trả tiền thuê nhà ở và các dịch vụ trong quá trình sử dụng.

2. Thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở xã hội tối thiểu là 05 năm; thời hạn thanh toán tiền thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 05 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở. Đối với những hợp đồng thuê, thuê mua nhà ở xã hội có thời hạn ngắn hơn 05 năm hoàn toàn vi phạm quy định nêu trên đều có thể bị tuyên bố vô hiệu, ảnh hưởng tới quyền lợi của người thuê mua.

3. Bên thuê, thuê mua nhà ở xã hội không được bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở trong thời gian thuê, thuê mua; nếu bên thuê, thuê mua không còn nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở thì chấm dứt hợp đồng và phải trả lại nhà ở này.

4. Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở; trường hợp trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. 

Như vậy, kể từ thời điểm đặt bút ký hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội tới khi có nhu cầu bán, chuyển nhượng thì người thuê mua nhà ở xã hội phải đợi tối thiểu ít nhất là 10 năm. Đây là vấn đề mà người thuê mua cần lưu ý bởi vì sau 10 năm giá trị của nhà ở xã hội có thể sẽ bị giảm đi rất nhiều.

5. Bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn 05 năm, kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế; trường hợp bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội quy định tại Luật này thì chỉ được bán với giá tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. 

Hiện nay, nhà ở xã hội có giá trị khá rẻ so với loại hình nhà ở thương mại. Tuy nhiên việc chuyển nhượng loại hình nhà ở này có phần rắc rối hơn so với loại hình nhà ở thông thường. Đồng thời nếu muốn chuyển nhượng sang tên loại hình nhà ở này, người bán phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Bảng giá đất nơi có nhà ở. Như vậy, nếu tính tổng số tiền phải nộp thì nhà ở xã hội sẽ chỉ rẻ hơn so với nhà ở thương mại nếu chủ sở hữu nhà chỉ sử dụng nó với mục đích duy nhất là để ở. Ngoài ra việc mua bán chuyển nhượng nhà ở xã hội phải tuân thủ theo nhiều quy định khác nhau, trường hợp vi phạm thì hợp đồng chuyển nhượng này sẽ không có giá trị về mặt pháp lý, người thuê mua, mua nhà ở xã hội sẽ phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó.

Để được Luật sư tư vấn trực tiếp, vui lòng liên hệ:  0969449828 (Zalo)

Email: Luatsutoandan@gmail.com