Căn cứ để Tòa án cho phép ly hôn?

CÁC CĂN CỨ ĐỂ TÒA ÁN CHO PHÉP LY HÔN

Căn cứ để Tòa án cho phép ly hôn.jpg

Trước hết, theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì Tòa án cho phép ly hôn khi có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Nội dung nêu trên là sự kế thừa quy định tại Điều 89 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 về căn cứ ly hôn.Tuy nhiên cũng như Luật hôn nhân gia đình năm 2000,  Luật hôn nhân gia đình 2014 không nêu chi tiết như thế nào là hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Để khắc phục lỗ hổng đó Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 02 năm 2000 để hướng dẫn cụ thể về trường hợp này như sau:

1. Tình trạng của vợ chồng được xem là trầm trọng khi:

- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng, bà con thân thích hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài: Thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như đã nêu. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là: Không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.

Mặc dù theo quy định chung văn bản này đã hết thời hiệu để áp dụng nhưng những nguyên tắc trong việc xác định tình trạng quan hệ vợ chồng đã đến mức phải ly hôn hay chưa vẫn được các thẩm phán xem xét đến để giải quyết các vụ án ly hôn.

Thực tiễn trong quá trình giải quyết các vụ án có thể xuất hiện một hoặc các căn cứ nêu trên. Trước đây để tiện cho việc xét xử một số Tòa án còn yêu cầu trước khi ly hôn phải thực hiện hòa giải cơ sở hoặc xác nhận của tổ dân phố về mâu thuẫn vợ chồng. Tuy nhiên hiện nay các thủ tục trên không còn phù hợp nên đã bị bãi bỏ chỉ còn thủ tục hòa giải trong quá trình tham gia tố tụng.

Như vậy, khi quan hệ vợ chồng xuất hiện một trong các căn cứ nêu trên, vợ, chồng có thể gửi Hồ sơ đề nghị Tòa án giải quyết ly hôn. Trở lại vấn đề có một câu hỏi được đặt ra là vì sao pháp luật Việt Nam lại có những quy định khắt khe như vậy về căn cứ ly hôn. Dưới góc độ cá nhân tôi xin được đưa ra mấy quan điểm như sau:

Thứ nhất, việc quy định một cách rõ ràng như trên sẽ giúp các thẩm phán nói riêng và các cơ quan tố tụng nói chung thuận tiện hơn và đảm bảo sự thống nhất việc áp dụng pháp luật về căn cứ pháp lý trong quá trình xét xử vụ án ly hôn.

Thứ hai, để tránh trường hợp ly hôn không tự nguyện do bị đe dọa, ép buộc hoặc cố tình ly hôn để trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ. Lý do này hiếm khi xảy ra nhưng không phải là không có.

Thứ ba, người ta thường nói gia đình là tế bào của xã hội, quan hệ gia đình không đơn giản chỉ là tình yêu nam nữ mà còn là sự tổng hòa các mối quan hệ vợ chồng, con cái, tài sản,.. Việc bảo vệ quan hệ hôn nhân gia đình không chỉ để bảo vệ sự ổn định của yếu tố cấu thành xã hội mà còn nhằm bảo vệ quyền lợi của vợ chồng, con cái trong quan hệ hôn nhân

Thiết nghĩ pháp luật mặc dù có khô khan đến đâu vẫn luôn ẩn chứa yếu tố nhân văn trong đó. Tuy nhiên sự bền vững của một cuộc hôn nhân không phải đến từ sự ràng buộc của pháp luật mà phải đến từ bản thân mỗi bên trong quan hệ vợ chồng.

Để được Luật sư tư vấn trực tiếp, vui lòng liên hệ:   0979.890.858 (Zalo)

Email: Luatsutoandan@gmail.com