Đất bố mẹ chồng tặng cho miệng khi ly hôn vợ có được chia?

ĐẤT BỐ MẸ CHỒNG TẶNG CHO MIỆNG KHI LY HÔN VỢ CÓ ĐƯỢC CHIA?

CÁCH XÁC ĐỊNH TÀI SẢN RIÊNG CỦA VỢ CHỒNG KHI LY HÔN

LIÊN HỆ LUẬT SƯ:  0979.890.858 (Zalo)

Hiện nay có nhiều người thắc mắc về trường hợp quyền sử dụng đất bố mẹ chồng tặng cho miệng, không có giấy tờ tặng cho nếu sau này vợ chồng ly hôn thì người vợ có được chia không?

Liên quan đến trường hợp này mặc dù Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có Án lệ số 03/2016/AL để hướng dẫn giải quyết. Khái quát nội dung của án lệ này như sau: “Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng, nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất.

Như vậy, để việc tặng cho được công nhận và nhà đất được xem là tài sản chung của hai vợ chồng để chia khi ly hôn thì phải thỏa mãn được các tình tiết cơ bản sau:

  • Vợ chồng người con đã xây dựng, nhà kiên cố trên diện tích đất được cho để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối.

  • Vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất.

Nếu thỏa mãn các tình tiết trên và được công nhận là tài sản chung khy ly hôn Tòa án sẽ áp dụng các nguyên tắc được quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình để giải quyết. Tuy nhiên trong thực tế phát sinh nhiều trường hợp chưa thỏa mãn đầy đủ các tình tiết như Án lệ số 03 nên việc có áp dụng án lệ để xét xử hay không còn phụ thuộc khá nhiều vào nhận định chủ quan của Hội đồng xét xử. Cụ thể:

1. Trường hợp cha hoặc mẹ mất sau đấy con cái mới lập gia đình.

Thực tiễn tham gia giải quyết vụ án ly hôn chúng tôi đã gặp trường hợp người cha mất trước khi con trai cưới vợ nhưng không để lại di chúc. Bà mẹ quyết định cho hai vợ chồng một thửa đất để xây dựng nhà cửa làm nơi ở và vợ chồng người con đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi hai vợ chồng người con ly hôn bà mẹ và các anh chị em đứng ra tranh chấp tuy nhiên Tòa án vẫn áp dụng án lệ số 03 để bác yêu cầu của bà mẹ và các anh chị em. Vụ việc đã được kháng cáo để tòa án cấp phúc thẩm xét xử nhưng ngay giữa các thẩm phán tòa Phúc thẩm cũng có sự phân vân giữa hai luồng quan điểm sau:

  • Quan điểm thứ nhất, do người cha mất trước khi con trai lập gia đình nên không có việc người cha tặng cho vợ chồng người con nên không thể áp dụng Án lệ số 03 để công nhận thửa đất là tài sản chung của vợ chồng. Các đồng thừa kế có quyền yêu cầu chia phần di sản thừa kế của người cha. Còn đối với phần tài sản của người mẹ trong khối tài sản chung trước đây do vẫn thỏa mãn các điều kiện để áp dụng án lệ nên vẫn được xem là đã có việc tặng cho.

  • Quan điểm thứ hai, sau khi người cha mất các đồng thừa kế có quyền được hưởng di sản thừa kế nhưng không thực hiện quyền của mình. Khi vợ chồng người con thực hiện việc xây dựng nhà cửa, kê khai xin cấp Giấy chứng nhận các đồng thừa kế không có ý kiến, tranh chấp thì mặc nhiên cũng công nhận việc tặng cho quyền sử dụng đất.

Theo tôi việc Hội đồng xét xử áp dụng theo quan điểm thứ nhất có lẽ sẽ phù hợp hơn với các quy định của luật và thực tiễn vụ án bởi không phải lúc nào các anh chị em của vợ chồng người con cũng biết được việc người con đã được cấp Giấy chứng nhận để có ý kiến, phản đối. Mặt khác án lệ cũng chỉ quy định trường hợp cha mẹ tặng cho con chứ không bao gồm cả anh chị em nên không thể gạch bỏ quyền được hưởng di sản thừa kế của anh chị em trong trường hợp người cha mất không để lại di chúc.

2. Trường hợp nhà cửa do vợ chồng người con xây nhưng quyền sử dụng đất vẫn đứng tên cha mẹ.

Đối với trường hợp này khi vợ chồng người con ly hôn Tòa án chỉ xem xét phần giá trị nhà cửa, công trình xây dựng trên đất để chia. Còn đối với quyền sử dụng đất vẫn đứng tên của bố mẹ. Trong trường hợp các bên có yêu cầu Tòa án sẽ tiến hành xem xét, định giá tài sản và giao toàn bộ nhà đất cho một trong các bên quản lý, sử dụng. Bên được giao nhà đất có trách nhiệm thanh toán phần giá trị tài sản mà những người còn lại được Tòa án chia.

3. Trường hợp vợ chồng người con đã xây dựng nhà cửa, sử dụng đất ổn định nhưng chưa làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nếu vợ chồng người con mặc dù đã xây dựng nhà cửa, sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được xem là đã có việc tặng cho vì không thỏa mãn các tình tiết để áp dụng án lệ. Việc giải quyết tài sản khi có tranh chấp được thực hiện như ở trường hợp 2 nêu trên.

4. Trường hợp lúc xây dựng nhà cửa không bị cha mẹ, anh chị em phản đối, tranh chấp nhưng sau đó một thời gian lại phát sinh tranh chấp.

Đối với trường hợp này thực tiễn Tòa án và các đương sự có yêu cầu, tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất sẽ phải thu thập chứng cứ chứng minh tại thời điểm xây dựng nhà cửa, công trình trên đất hoặc thời điểm vợ chồng người con thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tranh chấp thì mới có căn cứ để chấp nhận yêu cầu. Chứng cứ chứng minh có thể bằng văn bản hoặc bằng lời nói được các bên đưa ra trong quá trình xét xử vụ án. Còn nếu các đương sự nêu trên lập luận theo hướng vợ chồng người con không ly hôn thì không tranh chấp còn ly hôn thì sẽ có yêu cầu đòi hoặc tại thời điểm vợ chồng người con xây dựng nhà cửa, xin cấp GCN không có ý kiến gì mà mãi một thời gian sau mới phát sinh tranh chấp, có ý kiến phản đối thì Tòa án vẫn áp dụng Án lệ số 03 để công nhận việc tặng cho và chia tài sản chung của vợ chồng.

Có thể thấy việc áp dụng Án lệ nêu trên vào thực tế để giải quyết các vụ án ly hôn, tranh chấp tài sản là một điểm tiến bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên do Án lệ chỉ là lập luận, phán quyết trong một vụ việc cụ thể trong khi thực tiễn các vụ án dân sự rất phong phú và đa dạng nên nhiều khi thẩm phán cũng gặp không ít khó khăn trong việc quyết định áp dụng hay không áp dụng án lệ. Trong hoàn cảnh đó Luật sư sẽ cần có sự linh động trong việc áp dụng pháp luật, thu thập tài liệu chứng cứ, kỹ năng tham gia tố tụng để tác động lên nhận định của Hội đồng xét xử nhằm bảo vệ tối đa quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình.

Để được Luật sư hỗ trợ trực tiếp, vui lòng liên hệ:   0979.890.858 (Zalo)

Email: Luatsutoandan@gmail.com

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

LUẬT SƯ TƯ VẤN

0969449828

LIÊN KẾT FACEBOOK
THỐNG KÊ
Đang online: 1
Truy cập hôm nay: 50
Tổng truy cập: 1563