TRƯỜNG HỢP NÀO ĐƯỢC COI LÀ PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG

TRƯỜNG HỢP NÀO ĐƯỢC COI LÀ PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG?

TRƯỜNG HỢP NÀO ĐƯỢC COI LÀ PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG

Thưa Luật sư! Ngày 20/06/2017. Em đang đi đường thì có đối tượng chặn đường định cướp tài sản của em. Em có chống trả và làm đối tượng đó bị thương nhẹ. Vậy xin hỏi luật sư trong trường hợp này của em hành vi chống trả của em có phải là phòng vệ chính đáng hay không?

Trả lời: Luật Toàn Dân - Công ty Luật Hùng Bách xin gửi lời chào tới bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty. Với câu hỏi của bạn, Luật sư của công ty xin phân tích như sau:

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định chế định phòng vệ chính đáng trong luật hình sự. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có những quy định riêng về chế định này tuỳ thuộc vào tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của mỗi nước. Luật hình sự nước ta, phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 với nội dung: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.” Luật hình sự của một số nước gọi là phòng vệ cần thiết (Điều 38 Bộ luật hình sự của liên bang Nga). 

Cho đến nay, đã có nhiều bài viết chuyên ngành bàn về phòng vệ chính đáng, nhưng về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, vấn đề phòng vệ chính đáng trong luật hình sự vẫn là vấn đề nhiều người quan tâm; thực tiễn giải quyết cũng có nhiều trường hợp còn ý kiến khác nhau nên dẫn đến các quyết định khác nhau. Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì Hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khoẻ của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đầy đủ các dấu hiệu sau dây:

 - Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ phải là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội;

- Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ;

- Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại;

- Hành vi phòng vệ phải cần thiết với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.

Để xem xét hành vi chống trả có cần thiết hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ; mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại; cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xẩy ra sự việc v.v... Đồng thời cũng phải chú ý yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ.

Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và đã gây thiệt hại rõ ràng quá mức đối với hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không cần thiết và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngược lại, nếu hành vi chống trả là cần thiết thì đó là phòng vệ chính đáng.

ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT HÙNG BÁCH

Hotline: 0983.449.828 (Zalo)

Email: Luatsutoandan@gmail.com