CHA MẸ CÓ QUYỀN DI CHÚC KHÔNG ĐỂ LẠI TÀI SẢN THỪA KẾ CHO CON?

CHA MẸ CÓ QUYỀN DI CHÚC KHÔNG ĐỂ LẠI TÀI SẢN THỪA KẾ CHO CON?

    CHA MẸ CÓ QUYỀN DI CHÚC KHÔNG ĐỂ LẠI TÀI SẢN THỪA KẾ CHO CON?

    Hiện nay, có thể do nhiều lý do mà người có di sản muốn lập di chúc theo ý không để lại tài sản cho con đẻ của mình như: con không có hiếu, không chăm sóc cha mẹ; người con có quá nhiều tài sản, không cần thiết phải thừa kế thêm tài sản từ cha mẹ; người lập di chúc muốn để lại tài sản cho người khác;…Vậy câu hỏi đăt ra là pháp luật có cho phép cha mẹ được quyền di chúc không để lại tài sản thừa kế cho con?

    Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật ghi nhận.Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là BLDS 2015 tại Điều 609có quy định Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Đồng thời, tại khoản 1 Điều 626 cho rằng người lập di chúc có quyền Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế”. Có thể thấy, việc lập di chúc là thể hiện ý chí chủ quan của mỗi người, họ có toàn quyền định đoạt tài sản của mình cho chủ thể khác được hưởng cũng như truất quyền thừa kế của chủ thể khác. Do đó, Người để lại di sản có quyền chỉ định người nào không được hưởng di sản theo di chúc. 

    Tuy nhiên, pháp luật đã dự trù trong một số trường hợp quyền của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, các đối tượng được thừa kế tài sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc được quy định tại Điều 644 BLDS 2015:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”

    Theo quy định trên, nếu người con bị truất quyền thừa kế là “con chưa thành niên” hoặc “Con thành niên mà không có khả năng lao động” thì người con đó vẫn được hưởng thừa kế bằng 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật (trừ trường hợp thuộc khoản 2 điều luật này). Ví dụ: Bà A có 4 người con là B 32 tuổi (bị tâm thần do một lần tai nạn giao thông); C 29 tuổi; D 26 tuổi và E 22 tuổi, chồng bà A đã mất trước đó. Do bị bệnh hiểm nghèo bà A qua đời vào tháng 2/2018, trước khi mất bà có để lại di chúc chia đều số tài sản của mình là 840 triệu cho C, D và E, bà có di chúc không để lại tài sản cho B với lí do B đã không chăm sóc được bà khi bà bị ốm. Trong trường hợp này, dù bà A đã có di chúc truất quyền thừa kế của B nhưng B thuộc trường hợp theo điểm a – khoản 1- Điều 644 nên B đương nhiên vẫn được hưởng 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật. Cụ thể, B sẽ nhận được: 2/3 x (840 triệu : 4) = 140 triệu. Số tiền còn lại sẽ chia đều cho C, D, E.

   Vậy nên, nếu người con đó thuộc vào trường hợp tại Điều 644 như trên thì người con đó vẫn được hưởng một phần di sản theo quy định của pháp luật. Quy định này của pháp luật là nhằm bảo vệ quyền lợi của những người những người yếu thế, người có quan hệ gần gũi, huyết thống với người để lại di sản, dù bị truất quyền họ vẫn đáng được hưởng một phần di sản do người chết để lại.

    Như vậy, người có di sản có quyền định đoạt tài sản mà mình sở hữu, có quyền di chúc không để lại tài sản cho con đẻ của mình. Tuy nhiên, quyền này của người để lại di sản không tuyệt đối mà chịu sự hạn chế bởi quy định của pháp luật, mà quy định này là sự cần thiết thể hiện sự nhân văn, bảo đảm sự bình đẳng trong các mối quan hệ pháp luật.

ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT HÙNG BÁCH

Hotline: 0969.449.828

Email: Luatsutoandan@gmail.com