CON TRAI CÓ QUYỀN HƯỞNG THỪA KẾ NHIỀU HƠN CON GÁI KHÔNG?

CON TRAI CÓ QUYỀN HƯỞNG THỪA KẾ NHIỀU HƠN CON GÁI KHÔNG?

  CON TRAI CÓ QUYỀN HƯỞNG THỪA KẾ NHIỀU HƠN CON GÁI KHÔNG?

  Hiện nay, trong lối sống cũng như trong suy nghĩ của nhiều người vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nếp nghĩ này đã ăn sâu bám rễ vào đời sống hằng ngày của chúng ta, chi phối nhiều đến hoạt động hằng ngày của mọi người. Việc chia và hưởng thừa kế của con trai nhiều hơn con gái là một việc không còn xa lạ gì đối với chúng ta. Lý do được đưa ra là bởi con trai là người duy trì nòi giống cho gia đình dòng họ; là người phụ trách việc thờ cúng ông bà tổ tiên; là người có nghĩa vụ chăm sóc cho cha mẹ khi về già;…Vậy nên con trai đương nhiên được hưởng thừa kế nhiều hơn con gái. Lý lẽ là thế nhưng suy nghĩ này có đúng với quy định của pháp luật không? 

    Theo quy định của pháp luật hiện hành, thừa kế có hai hình thức là thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật. Ta sẽ xem xét ý kiến này dưới hai góc độ:

    Thứ nhất, thừa kế theo di chúc:Di chúc là sự tự nguyện, thể hiện ý chí của người lập di chúc. Người có di sản có toàn quyền định đoạt tài sản của mình cho người khác. Điều này có nghĩa là người lập di chúc được quyền phân chia di sản của mình cho con với tỷ lệ di sản được hưởng nhiều hay ít là do người lập di chúc quyết định. Con được hưởng di sản từ bố mẹ theo nội dung di chúc, trừ các trường hợp thuộc Điều 644 BLDS 2015.

    Thứ hai, thừa kế theo pháp luật:Trong trường hợp người chết không để lại di chúc thì việc lập chia di sản sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật. Một trong những nguyên tắc của thừa kế là quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân được quy định tại Điều 610 “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Theo nguyên tắc này, các nhân có quyền bình đẳng trong việc nhận di sản của người chết để lại. Không phân biệt nam, nữ; tuổi;tình trạng sức khỏe;….Ngoài ra, Điều 651 BLDS quy định về thứ tự thừa kế theo pháp luật thì Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết” . Như vậy, luật không quy định con trai hay con gái được hưởng thừa kế như thế nào mà mỗi người thuộc diện được thừa kế, không phân biệt là nam hay nữ đều có quyền hưởng một phần di sản thừa kế ngang bằng với những người thừa kế khác. Ví dụ: Ông H có 3 người con, trong đó có 1 người con trai là G 40 tuổi; 1 người con gái còn lại là M 35 tuổi và Y 28 tuổi, cả hai đều đã lập gia đình; vợ ông H đã mất. Tháng 8/2017 ông H mất, trước khi mất ông H không có để lại di chúc, tài sản của ông H để lại là 2 căn nhà mặt phố, cùng với số tiền 600 triệu đồng trong sổ tiết kiệm gửi ngân hàng. Khi họp gia đình G cho rằng mình là người đã bỏ công sức và chi phí chăm sóc bố khi bố bị ốm, lo liệu mọi việc từ ma chay đến cúng giỗ sau này, hơn nữa lại là trưởng nam trong nhà, còn hai chị em M và Y đều đã lấy chồng thì phải theo chồng nên G đương nhiên được quyền hưởng phần tài sản mà bố để lại nhiều hơn, cụ thể là được hưởng 2 căn nhà, và số tiền 600 triệu trong sổ tiết kiệm sẽ chia đều cho ba người. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật như đã phân tích ở trên, tài sản của ông H sẽ phải chia đều cho 3 người con, G không được hưởng phần nhiều hơn.

   Nguyên tắc bình đẳng về thừa kế thể hiện sự tiến bộ trong tư duy lập pháp, ngăn chặn những tiêu cực, lạc hậu trong thực tiễn đời sống. Nguyên tắc này đã bảo vệ sự bình đẳng của công dân tham gia quan hệ thừa kế di sản, và quyền được hưởng di sản của những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Nguyên tắc này cũng là căn cứ pháp lý để củng cố quan hệ, trách nhiệm các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, vấn đề trên là một trong những vấn đề điển hình trong quan hệ thừa kế nhưng quy định của pháp luật về vấn đề này lại không được nhiều người quan tâm cũng như biết đến. Có thể do ảnh hưởng của phong tục tập quán; định kiến xã hội; sự thiếu hiểu biết pháp luật hoặc suy nghĩ mặc nhiên thừa nhận “từ trước đến nay vẫn thế” mà những người có quyền được thừa kế không dám/ không muốn/ không biết để khởi kiện đòi lại quyền lợi cho mình.

   Tóm lại, nếu việc thừa kế được thực hiện theo quy định của pháp luật thì không biệt con trai hay con gái mà nếu cùng thuộc một hàng thừa kế thì sẽ được hưởng phần di sản ngang nhau.

ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT HÙNG BÁCH

Hotline: 0969.449.828

Email: Luatsutoandan@gmail.com