NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI CÓ THỂ PHẢI CHỊU NHỮNG HÌNH PHẠT NÀO?

NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI CÓ THỂ PHẢI CHỊU NHỮNG HÌNH PHẠT NÀO?

NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI CÓ THỂ PHẢI CHỊU NHỮNG HÌNH PHẠT NÀO?

Theo Bộ luật dân sự 2015 thì người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên. Người chưa thành niên là người chưa phát triển một cách đầy đủ về tâm, sinh lý, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi còn nhiều hạn chế; dễ bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo vào việc thực hiện tội phạm. Trong những năm gần đây, tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật xảy ra có chiều hướng gia tăng và khá phổ biến, có những vụ án do người chưa thành niên gây ra mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng gây hoang mang trong dư luận xã hội. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội là một việc khá phức tạp bởi người chưa thành niên còn có nhận thức chưa đầy đủ, hành vi của họ thường mang tính bột phát do bị lôi kéo hoặc kích động, hoặc chưa đủ khả năng làm chủ hành động của mình, hơn nữa họ còn có một tương lai dài phía trước. Do đó, không thể áp dụng các biện pháp xử lý người chưa thành niên phạm tội giống như những người đã thành niên.

Tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 thì người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm. Theo đó, việc xử lý Người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ, uốn nắn, sửa sai, giúp họ phát triển, hoàn thiện về nhận thức và về hành vi phù hợp với xã hội; không áp dụng hình phạt chung thân, tử hình, hình phạt bổ sung đối với Người chưa thành niên phạm tội. Căn cứ vào đặc điểm của người chưa thành niên, yêu cầu của việc phòng chống tội phạm, nguyên tắc nhân đạo XHCN, luật hình sự quy định các hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội bao gồm:

1. Cảnh cáo: Cảnh cáo là hình phạt chính, có tính giáo dục sâu sắc, thể hiện sự khiển trách công khai của Nhà nước đối với người phạm tội và hành vi phạm tội của họ. Cảnh cáo gây ra cho người bị kết án những tổn hại về tinh thần. Người chưa thành niên phạm tội bị phạt cảnh cáo khi phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

2. Phạt tiền: Phạt tiền là hình phạt chính áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm tước đi quyền lợi vật chất của họ. Người chưa thành niên phạm tội bị phạt tiền khi có đủ hai điều kiện: Họ là người đã từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và có thu nhập hoặc tài sản riêng.

3. Cải tạo không giam giữ: Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý. Cải tạo không giam giữ là hình phạt chính có nội dung giáo dục sâu sắc không buộc người được áp dụng hình phạt này phải cách li khỏi xã hội. Họ vẫn có thể thực hiện công việc thường ngày và sống trong môi trường gia đình và xã hội như trước đây. Người chưa thành niên phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ cần đáp ứng hai điều kiện sau: Hành vi phạm tội thuộc vào tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý; Họ phải có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng.

4. Tù có thời hạn: Tù có thời hạn là hình phạt cách li người phạm tội ra khỏi xã hội để giáo dục, cải tạo họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Đây là hình phạt có hiệu quả giáo dục và ngăn ngừa cao. Chính vì vậy loại hình này có thể áp dụng đối với mọi tội phạm được quy định trong luật hình sự Việt Nam. Tù có thời hạn là hình phạt nghiêm khắc nhất có thể áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:

Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định”.

ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT HÙNG BÁCH

Hotline: 0983.449.828 (Zalo)

Email: Luatsutoandan@gmail.com