CON CHẾT TRƯỚC BỐ MẸ THÌ CÓ ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ KHÔNG?

 CON CHẾT TRƯỚC BỐ MẸ THÌ CÓ ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ KHÔNG?

Thưa Luật sư! Hiện nay bố mẹ em mất đi có để lại một khối tài sản cho các con. Tuy nhiên trong những người thừa kế thì có anh trai của em chết trước bố mẹ, chết trước thời điểm mở thừa kế đối với phần tài sản, di sản của bố mẹ. Vậy xin hỏi Luật sư trong trường hợp con chết trước bố mẹ thì có được hưởng thừa kế như những đồng thừa kế khác hay không? 

Trả lời: Luật Toàn Dân - Công ty Luật Hùng Bách xin gửi lời chào tới bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty. Với câu hỏi: "Con chết trước bố mẹ thì có được hưởng thừa kế như những đồng thừa kế khác hay không? Luật sư của công ty xin được phân tích như sau:

 CON CHẾT TRƯỚC BỐ MẸ THÌ CÓ ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ KHÔNG?

Trước hết bạn cần phải hiểu rõ về khái niệm thừa kế và thừa kế thế vị theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015. 

 Thừa kế là việc chuyển giao tài sản, lợi ích, nợ nần, các quyền, nghĩa vụ từ một người đã chết sang cho người còn sống. Trênthực tế cho thấy có những trường hợp người được hưởng thừa kế lại chết trước hoặc chết cùng lúc với người để lại di sản. Khi đó, pháp luật cho phép con của người thừa kế được hưởng phần di sản mà lẽ ra bố mẹ chúng sẽ được hưởng theo pháp luật nếu còn sống. Việc thừa kế như vậy gọi là thừa kế thế vị, được quy định cụ thể tại Điều 652 BLDS 2015.

“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

“Thế”có nghĩa là thay thế, “vị” có nghĩa là vị trí, ngôi thứ. Thừa kế thế vị có nghĩa là thừa kế bằng việc thay thế vị trí để hưởng thừa kế.Trên thực tế, việc hai hoặc nhiều người chết cùng thời điểm là rất khó xảy ra Nhưng có những trường hợp nhiều người chết trong một tai nạn mà không thể xác định được ai chết trước, ai chết sau. Vì vậy, buộc phải suy đoán họ chết cùng một thời điểm. Nếu hai người thừa kế tài sản của nhau mà được coi là chết cùng một thời điểm, thì họ đương nhiên sẽ không còn sống để hưởng thừa kế của nhau, di sản của mỗi người được chia cho những người thừa kế của họ. Thừa kế thế vị chỉ phát sinh từ thừa kế theo pháp luật mà không phát sinh từ thừa kế theo di chúc. Nếu cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà hoặc cụ thì phần di chúc định đoạt tài sản cho cha mẹ (nếu có di chúc) sẽ vô hiệu. Phần di sản đó được chia theo pháp luật và lúc này cháu (chắt) mới được hưởng thừa kế. Ví dụ: Ông A có khối di sản là 300 triệu, con là C và D; trong đó C đã lập gia đình có con là T. Ông A và C trong lúc đi chơi cùng nhau đã gặp tai nạn, hai người được xác định là chết cùng thời điểm. Trước khi chết ông A không để lại di chúc, di sản của ông A sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Theo đó, di sản của ông A sẽ được chia đều cho C và D, vì C đã chết cùng thời điểm với ông A nên T sẽ được nhận phần di sản mà C được hưởng nếu còn sống.

    Với trường hợp thừa kế thế vị khi xét về hàng thừa kế thì họ không được hưởng di sản nhưng họ được nhận thay cho bố (hoặc mẹ) của họ (là những người đáng ra được hưởng thừa kế nếu còn sống). Căn cứ vào quy định trên có thể thấy thừa kế thế vị được thực hiện khi thỏa mãn các điều kiện sau:

    Thứ nhất, người được thừa kế là người ở đời sau, khi người ở hàng thừa kế thứ nhất chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì quyền nhận thừa kế thuộc về con của những người đó.

    Thứ hai, thừa kế thế vị chỉ đặt ra khi người được thế vị chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà hoặc các cụ).

    Thứ ba, người thừa kế thế vị phải còn sống hoặc chưa ra đời nhưng đã thành thai vào thời điểm người để lại di sản chết. Nếu chết trước khi sinh hoặc ngay sau khi sinh thì phần di sản được chia cho những người thừa kế khác.

    Thứ tư, giữa người thừa kế thế vị và người được thừa kế thế vị phải có quan hệ huyết thống trực hệ (chỉ có con đẻ thay thế vị trí của cha, mẹ đẻ).

    Thứ năm, thừa kế thế vị được phát sinh trên cơ sở thừa kế theo pháp luật mà không phát sinh trên cơ sở thừa kế theo di chúc.

   Từ sự phân tích trên ta có thể hiểu thừa kế thế vịlà việc con đẻ thay thế vị trí của cha hoặc mẹ để hưởng thừa kế của ông nội, bà nội hoặc ông ngoại, bà ngoại đối với phần di sản mà cha mẹ được hưởng nếu còn sống nhưng cha đã chết trước/chết cùng ông nội, bà nội hoặc mẹ đã chết trước/chết cùng ông ngoại, bà ngoại; đồng thời cũng là việc con đẻ thay thế vị trí của cha hoặc mẹ để hưởng thừa kế của cụ đối với phần di sản mà cha, mẹ được hưởng nhưng cha, mẹ đã chết trước hoặc cùng một thời điểm với cụ.

ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT HÙNG BÁCH

Hotline: 0969.449.828

Email: Luatsutoandan@gmail.com