CÓ PHẢI TRẢ NỢ THAY NGƯỜI CHẾT KHI NHẬN THỪA KẾ KHÔNG?

CÓ PHẢI TRẢ NỢ THAY NGƯỜI CHẾT KHI NHẬN THỪA KẾ KHÔNG?

 Thưa Luật sư! Tôi được hưởng một phần tài sản do người thân để lại. Tuy nhiên trước khi người thân tôi mất có một khoản nợ chưa trả. Vậy xin hỏi Luật sư tôi: "Có phải trả nợ thay người chết khi nhận thừa kế không?"

Luật Toàn Dân - Công ty Luật Hùng Bách xin gửi lời chào tới bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty. Với câu hỏi:"Có phải trả nợ thay người chết khi nhận thừa kế không?". Luật sư của công ty xin được phân tích như sau:

CÓ PHẢI TRẢ NỢ THAY NGƯỜI CHẾT KHI NHẬN THỪA KẾ KHÔNG?

Pháp luật quy định người thừa kế nếu nhận di sản thì phải thực hiện nghĩa vụ của người chết trong phạm vi di sản đã nhận. Việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người có di sản để lại được quy định cụ thể tại Điều 615 BLDS 2015, cụ thể:

“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”

     Sau khi mở thừa kế, thông thường những người được thừa kế sẽ thực hiện nghĩa vụ tương ứng với số tài sản mình nhận được, có thể thỏa thuận việc phân chia di sản. Nhưng việc thực hiện nghĩa vụ này không phải lúc nào cũng được tiến hành thuận lợi, có những trường hợp nghĩa vụ cần thực hiện sẽ do những người được thừa kế thỏa thuận nhưng việc thỏa thuận này trên thực tế cũng kèm theo không ít khó khăn. Trong trường hợp đó, nếu các bên không thể đạt được thỏa thuận chung về vấn đề này thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

    Kể từ thời điểm mở thừa kế đến thời điểm người thừa kế nhận di sản thì di sản chưa xác định được ai là chủ sở hữu nên người nào đang quản lý di sản thì tiếp tục quản lý và thực hiện nghĩa vụ của người quản lý di sản đến khi xác định được chủ sở hữu. Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ quản lý di sản đó.

    Khi chia di sản dù là theo di chúc hay theo quy định của pháp luật thì mỗi người sẽ nhận được một phần di sản, cùng với đó là phần nghĩa vụ tương ứng với phần di sản nhận được. như vậy, vào thời điểm nhận thừa kế sẽ làm phát sinh quyền sở hữu đối với phần di sản đã nhận và người thừa kế có nghĩa vụ thực hiện một phần nghĩa vụ của người để lại thừa kế. Phần nghĩa vụ này sẽ tương ứng với di sản được nhận nên đây là nghĩa vụ riêng rẽ của những người nhận được di sản. Việc thực hiện nghĩa vụ tương ứng với số di sản nhận được cũng được áp dụng tương tự đối với pháp nhân khi pháp nhân đó được hưởng di sản theo di chúc.

    Tuy nhiên, không phải bất cứ nghĩa vụ nào cũng được chuyển giao cho người thừa kế. Những nghĩa vụ tài sản mà do chính hành vi của người để lại di sản làm phát sinh mới được chuyển giao cho người thừa kế. Người thừa kế được nhận một phần di sản nên họ phải thực hiện một phần nghĩa vụ tài sản trong phạm vi giá trị di sản nhận được. Nếu phần nghĩa vụ vượt quá giá trị phần di sản thừa kế thì người thừa kế không phải thực hiện phần vượt quá đó.

ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT HÙNG BÁCH

Hotline: 0969.449.828

Email: Luatsutoandan@gmail.com